Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã từ chối đề xuất của chính phủ về việc dẫn đầu phái đoàn nước này tới Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở Washington DC vào tháng 7, nói rằng ông không được hỏi ý kiến trong khi Sofia đưa ra quan điểm chính thức của đất nước và các cam kết của nước này liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Thông tin trên được văn phòng báo chí của ông Radev cho biết, hôm 27/6, sau khi quyền Thủ tướng Bulgaria Dimitar Glavchev cho biết rằng ông Radev nên dẫn đầu phái đoàn Bulgaria. Người phát ngôn của Chính phủ Bulgaria trước đó cho biết, cả ông Radev và ông Glavchev sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ở Mỹ nhưng không rõ ai sẽ dẫn đầu phái đoàn, theo chi nhánh Bulgaria của Đài RFE/RL.
Việc ông Radev từ chối dẫn đầu hoặc tham gia phái đoàn là do sự khác biệt về lập trường của Bulgaria về xung đột Nga-Ukraine, văn phòng báo chí của ông Radev cho biết. Cơ quan này nói: Ông Radev “không chấp nhận một số điều khoản trong các lập trường khung được Hội đồng Bộ trưởng Bulgaria thông qua liên quan đến các cam kết của đất nước chúng ta về cuộc chiến ở Ukraine”.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (thứ hai từ trái sang), hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Sofia, ngày 6/7/2023. Ảnh: EurActivTrước đó đã diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi giữa các chính đảng “thân Nga” và “thân phương Tây” ở quốc gia Đông Âu về việc liệu Tổng thống Radev, với tư cách là Tổng tư lệnh Quân đội Bulgaria, có nên đại diện cho đất nước tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hay không.
Theo AP, ông Radev thường bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì lập trường thân thiện với Điện Kremlin trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, và vì những bình luận công khai của ông rằng, ông không thấy giải pháp quân sự nào cho cuộc chiến và việc gửi viện trợ quân sự cho Kiev sẽ chỉ kéo dài xung đột. Ông gọi những người ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine là “những kẻ gây chiến”.
Bulgaria, một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2004.
Mặc dù chức vụ Tổng thống ở quốc gia Đông Âu này chủ yếu mang tính chất nghi lễ nhưng nó mang lại một nền tảng vững chắc để tác động đến dư luận. Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn dân số khoảng 6,6 triệu người của đất nước này có chung cảm tình “thân Nga” dựa trên mối quan hệ lịch sử và văn hóa giữa 2 quốc gia, theo các cuộc khảo sát.
Minh Đức (Theo AP, RFE/RL)